Chinh phạt người Thổ Romanos IV Diogenes

Đồng xu vàng histamenon của Romanos IV: Mikhael VII Doukas bên cạnh hai người em AndronikosKonstantios ở mặt trên, Romanos IV và Eudokia Makrembolitissa được Chúa Kitô đội vương miện ở mặt trái.

Romanos IV giờ đã là hoàng đế bề trên và người giám hộ cho mấy đứa con riêng cũng là đồng hoàng đế Mikhael VII, Konstantios DoukasAndronikos Doukas.[7] Tuy vậy, vụ nối ngôi của ông và sự chống đối không chỉ đến từ phía dòng họ Doukas,[8] nhất là Caesar, Ioannes Doukas người đứng đầu phe đối lập gồm toàn các quan viên trong triều đình của Romanos, mà còn có cả nhóm Cấm quân Varangia, đã công khai bày tỏ sự bất mãn của họ trước cuộc hôn nhân của Eudokia.[9] Romanos đành phải quyết định thực thi quyền hành bằng cách đặt mình trở thành người đứng đầu quân đội, do vậy đã tập trung sự chú ý của toàn thể triều đình vào cuộc chiến chống lại người Thổ.[9]

Đến năm 1067, người Thổ đã lần lượt xâm lấn vào các xứ Lưỡng Hà, Melitene, Syria, Cilicia và Cappadocia, lên đến đỉnh điểm là vụ đốt phá thành Caesarea và cướp bóc nhà thờ St Basil.[10] Mùa đông năm đó họ còn đóng quân trên vùng biên cương của đế chế và chờ đợi cho mùa chiến dịch chinh phạt của năm tiếp theo. Romanos tự tin vào ưu thế bày binh bố trận của quân Đông La Mã, coi người Thổ chẳng khác gì đám cướp nhỏ nhoi sẽ tháo chạy ngay lần đụng độ đầu tiên.[11] Ông chưa tính đến thực trạng thoái hóa của quân đội Đông La Mã,[11] vốn đã bị các tiên đế bỏ mặc trong nhiều năm trời, nhất là Konstantios X. Lực lượng của ông, chủ yếu gồm toàn đám lính đánh thuê dân Slavonia, Armenia, BulgariaFrank với tính vô kỷ luật, vô tổ chức và thiếu sự phối hợp, và ông chưa sẵn sàng dành thời gian vào việc nâng cấp vũ khí, áo giáp, hay chiến thuật của một đội quân Đông La Mã khiếp nhược.[12] Người ta đã sớm nhận thấy rằng trong khi Romanos sở hữu tài năng quân sự thì tính bốc đồng của ông lại là một khuyết điểm chí mạng.[8]

Chiến dịch năm 1068

Các chiến dịch quân sự đầu tiên của Romanos đã đạt tới mức thành công, củng cố thêm nhận định của ông về kết quả của cuộc chiến. Antiochia bị đặt vào trong tay của người Saracen xứ Aleppo nhờ sự trợ giúp của quân Thổ, đã bắt đầu cố chiếm lại tỉnh Syria của Đông La Mã.[13] Romanos bắt đầu hành quân đến vùng biên cương phía đông nam của đế quốc để đối phó với mối đe dọa này, nhưng khi tiến về phía Lykandos thì nhận được tin rằng một đạo quân Seljuk đã xâm nhập vào miền Pontus và cướp bóc Neocaesarea.[14] Hoàng đế tức tốc tuyển chọn một toán lính nhỏ cơ động và mau chóng vượt qua Sebaste và ngọn núi Tephrike để giao tranh với quân Thổ trên đường, buộc họ phải ngưng cướp phá và thả tù binh ra, dù có một số lượng lớn binh lính Thổ đã trốn thoát.[14]

Trên đường trở lại phía nam, Romanos tái gia nhập vào đoàn quân chủ lực, và vẫn tiếp tục băng qua vùng đèo núi Taurus tới miền bắc Germanicia và tiến hành xâm lược Tiểu vương quốc Aleppo.[14] Romanos chiếm được Hierapolis mà ông vừa gia cố nhằm tăng cường việc phòng vệ chống lại sự xâm nhập ngày càng nhiều vào các tỉnh phía đông nam của đế chế.[12] Hoàng đế còn giao chiến với người Saracen xứ Aleppo nhưng không bên nào giành được chiến thắng quyết định.[14] Vì mùa chiến dịch sắp gần kế thúc, Romanos đã quay lại miền bắc qua Alexandrettahẻm núi Cilicia để đến Podandos. Tại đây ông được báo cho hay về một cuộc đột kích của Seljuk vào Tiểu Á mà họ đã đốt phá Amorium nhưng trở về cứ địa quá nhanh đến nỗi Romanos khó mà đuổi kịp. Cuối cùng ông cũng đặt chân về đến Constantinopolis vào tháng 1 năm 1069.[14]

Chiến dịch năm 1069

Đồng xu follis của Romanos IV. Mặt chính cho thấy Chúa Kitô Pantokrator, trong khi mặt còn lại có hình cây thánh giá chia làm bốn phần với các chữ cái CΒΡΔ thể hiện câu châm ngôn Σταυρὲ σου βοήθει Ρωμανόν δεσπότην ("Cây Thánh giá của Ngài phò trợ Chúa thượng Romanos").[15]

Những kế hoạch dành cho cuộc chinh phạt vào năm sau lúc đầu rối bời lên bởi một cuộc nổi loạn của đám lính đánh thuê Norman của Romanos, Robert Crispin, kẻ cầm đầu toán quân người Frank về vấn đề lương bổng của đế chế. Có thể là do Romanos đã mấy lần không chịu trả lương cho họ,[16] họ đã bắt đầu cướp bóc các vùng quê gần nơi đóng quân tại Edessa, và tấn công những viên quan thu thuế của triều đình. Dù cho Crispin đã bị bắt và đày đến Abydos, binh sĩ người Frank vẫn tiếp tục tàn phá Armeniac thema một thời gian.[16] Trong khi đó, vùng đất xung quanh Caesarea lại một lần nữa bị người Thổ tràn qua, buộc Romanos phải dành khoảng thời gian quý báu và năng lượng để đánh đuổi người Thổ ra khỏi xứ Cappadocia.[16] Không hy vọng vào việc khởi đầu một chiến dịch riêng biệt, hoàng đế liền ra lệnh hành hình tất cả các tù binh, ngay cả một viên thủ lĩnh Seljuk đã đề nghị trả một khoản tiền chuộc lớn nhằm đổi lấy mạng mình.[16] Sau khi yên định được tỉnh này rồi, Romanos bèn hành quân theo hướng Euphrates qua ngõ Melitene, và vượt sông tại Romanopolis, với hy vọng đánh chiếm Akhlat nằm trên bờ hồ Van và do đó bảo vệ được tuyến biên giới Armenia.[16]

Romanos tự đặt mình vào vị trí thống lĩnh một đạo quân trọng yếu và bắt đầu tiến binh về phía Akhlat, để lại phần lớn quân đội dưới sự chỉ huy của Philaretos Brachamios phụng mệnh trấn giữ vùng biên cương Lưỡng Hà.[16] Philaretos đã sớm bị quân Thổ đánh bại và cướp phá Iconium[4] buộc Romanos phải từ bỏ kế hoạch của mình và trở về Sebaste. Ông mới hạ lệnh cho viên Dux thành Antiochia chiếm giữ ngọn đèo tại Mopsuestia, trong khi cố gắng dồn người Thổ về Heracleia.[16] Quân Thổ mau chóng bị bao vây tại miền núi Cilicia, nhưng họ lại thoát được đến Aleppo sau khi từ bỏ việc cướp bóc. Romanos một lần nữa lại quay trở về Constantinopolis mà không có được chiến thắng lớn lao nào như ông mong đợi.[16]